Saturday, December 5, 2009

Luật GTĐB (sửa đổi) chính thức có hiệu lực

Luật GTĐB (sửa đổi) chính thức có hiệu lực

Luật hiện hành có nhiều quy định mới, mà người tham gia giao thông, người kinh doanh vận tải, các ngành, UBND các cấp.. cần quan tâm.

Luật ĐBVN (sửa đổi) gồm 8 chương với 89 điều. So với Luật năm 2001 có 7 Điều được giữ nguyên nội dung và kết cấu; 58 Điều bổ sung, sửa đổi và 24 Điều mới. Những quy định mới, được sửa đổi, người tham gia giao thông cần lưu ý để thực hiện đúng.

Người điều khiển môtô, xe gắn máy, xe đạp chỉ được chở theo 1 người, trừ một số trường hợp đặc biệt được chở theo tối đa 2 người. Người thứ 3 là trẻ em được quy định cụ thể: dưới 14 tuổi (đối với môtô, xe gắn máy), hoặc 7 tuổi (đối với xe đạp).

Luật GTĐB (sửa đổi) quy định người ngồi trên môtô, xe gắn máy, xe đạp máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách. Đối với người đi bộ, Luật GTĐB (sửa đổi) bổ sung quy định: Không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy, khi mang vác vật cồng kềnh phải đảm bảo an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia GTĐB.

Trên đường cao tốc, bổ sung quy định cấm người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, môtô và máy kéo. Xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70km/h cũng không được phép đi vào đường cao tốc. Như vậy đường cao tốc chỉ dành riêng cho ôtô đi lại.

Việc sử dụng lòng đường, hè phố cho các hoạt động thể thao, diễu hành, lễ hội được quy định rất cụ thể, chặt chẽ theo hướng hạn chế các hoạt động này trên đường bộ. Trường hợp đặc biệt sử dụng lòng đường, hè phố cho các mục đích ngoài GTĐB, phải có quyết định của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, phải xin phép bằng văn bản đối với cơ quan quản lý giao thông, phải ra thông báo trên phương tiện truyền thông đại chúng, chỉ được sử dụng tạm thời, một phần lòng đường, hè phố cho mục đích khác và không được làm ảnh hưởng đến TTAT giao thông.

Luật GTĐB (sửa đổi) quy định cấm lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo hoặc thiết bị khác làm giảm sự chú ý, gây nhầm lẫn nội dung biển báo hiệu đường bộ hoặc cản trở người tham gia giao thông.

Luật GTĐB (sửa đổi) đặc biệt quy định nghiêm khắc về nồng độ cồn trong máu và hơi thở người điều khiển phương tiện tham gia GTĐB. Cấm người điều khiển ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông mà trong máu hoặc trong hơi thở có nồng độ cồn. Cấm người điều khiển môtô, xe gắn máy tham gia GTĐB mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100mililít máu hoặc 0,25 miligam/lít khí thở.

Trách nhiệm khi xảy ra TNGT, Luật GTĐB (sửa đổi) bổ sung việc báo tai nạn cho cơ quan y tế. Trách nhiệm xử lý TNGT của chính quyền địa phương, được quy định cụ thể cho chính quyền cấp xã, trường hợp vượt quá khả năng, cấp xã kịp thời báo cáo cho chính quyền cấp trên.

Về vận tải và quản lý, bảo vệ kết cấu HTGT có nhiều quy định mới.

Tuổi của người lái xe khách được quy định tăng thêm, người đủ 21 tuổi trở lên được lái ôtô tải, máy kéo có tải trọng từ 3.500kg trở lên, lái xe B2 kéo rơmoóc; người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ôtô chở người từ 10 đến 24 chỗ ngồi, lái xe hạng FC kéo sơmi rơmoóc; người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ôtô chở người trên 30 chỗ ngồi, lái xe hạng FD kéo rơmoóc.

Luật GTĐB (sửa đổi) quy định chi tiết những loại giấy tờ cần thiết mang theo khi điều khiển phương tiện trên đường bộ, trong đó có bổ sung Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Luật GTĐB (sửa đổi) quy định bổ sung điều kiện: phương tiện kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình theo quy định của Chính phủ; đơn vị kinh doanh vận tải khách phải đăng kí chất lượng dịch vụ vận tải. Bộ GTVT đã xây dựng lộ trình cho việc gắn thiết bị giám sát hành trình.

Khái niệm về đất của đường bộ được thay đổi lại và bổ sung: “đất của đường bộ là đất trên đó công trình đường bộ được xây dựng và phần đất dọc 2 bên đường bộ để quản lý, bảo trì, bảo vệ CTĐB”. Luật cũng quy định cụ thể tỉ lệ quỹ đất dành cho giao thông đô thị từ 16-26%. Đơn vị thi công công trình đang khai thác để xảy ra TNGT, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Quy định mới về nguồn tài chính cho quản lý, bảo trì quốc lộ và đường địa phương được đảm bảo từ Quỹ bảo trì đường bộ. Trách nhiệm quản lý CTGT được quy định rõ ràng đối với Bộ GTVT, Bộ Công An, UBND các cấp, Bộ và các cơ quan ngang Bộ, Chính phủ, các tổ chức và cá nhân...

Bà Trịnh Minh Hiền - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GTVT cho biết: Thời gian qua các cơ quan của Bộ GTVT đã rất nỗ lực trong việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật GTĐB, cố gắng xây dựng các văn bản có chất lượng cao, đẩy nhanh tiến độ, tuy nhiên tiến độ có chậm so với kế hoạch dự kiến.

Chịu trách nhiệm soạn thảo 8 văn bản dự thảo Nghị định, đến nay Bộ GTVT đã trình Thủ tướng 1 dự thảo Nghị định và tập hợp ý kiến đóng góp xây dựng 7 văn bản dự thảo Nghị định khác, đang trình lấy ý kiến Bộ Tư pháp.

Trong tháng 7, Bộ GTVT sẽ trình Thủ tướng toàn bộ 8 dự thảo Nghị định. Hy vọng trong tháng 8, Chính phủ sẽ chính thức ban hành các văn bản pháp luật này để hướng dẫn thực thi Luật GTĐB (sửa đổi). Như vậy, từ thời điểm 1/7/2009 Luật GTĐB (sửa đổi) có hiệu lực, những nội dung quy định của Luật phải được thực hiện. Trong khi chờ Chính phủ ban hành các hướng dẫn mới, vẫn đảm bảo thực thi các chế tài hiện hành.

Download Tài liệu hướng dẫn tập huấn đào tạo lái xe
- Cẩm nang An toàn giao thông qua hoạt hình
- Tổng hợp tất cả các link hay nhất ôn luyện thi lái xe

0 comments:

Post a Comment

 

Học lái xe Copyright © 2012 Hoc Lai Xe